Chánh Thanh tra Cơ yếu có quyền xử phạt vi phạm hành chính đến 160 triệu đồng trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng về mật mã dân sự

12:23 | 16/07/2025

Ngày 01/7/2025 Chính phủ ban hành Nghị định số 189/2025/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Xử lý vi phạm hành chính về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Nghị định quy định rõ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh, trong đó có các chức danh thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ.

Cụ thể, thanh tra viên Ban Cơ yếu Chính phủ có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 10% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt được quy định ở trên.

Trưởng Đoàn thanh tra của Ban Cơ yếu Chính phủ (trong thời hạn thanh tra) có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Chánh Thanh tra Cơ yếu có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 80% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Ngoài ra, Trưởng Đoàn kiểm tra do Thủ trưởng tổ chức thuộc bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ thành lập có thẩm quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 80% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Trưởng Đoàn kiểm tra do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thành lập có thẩm quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Theo Luật số 88/2025/QH15 ngày 25/6/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 54/2014/QH13, Luật số 18/2017/QH14, Luật số 67/2020/QH14, Luật số 09/2022/QH15, Luật số 11/2022/QH15 và Luật số 56/2024/QH15, trong lĩnh vực “an toàn thông tin mạng” có mức phạt đến 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức. Như vậy, trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng về mật mã dân sự, Chánh Thanh tra Cơ yếu có quyền phạt đến 160 triệu đồng đối với tổ chức.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.

Để lại bình luận